Monday, October 15, 2012

Khánh Ly, ở hay về? Thương và ghét!

Truyền thông trong nước hôm 24 và 25 tháng 9 đã đưa tin, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn đã cấp phép cho nữ ca sỹ Khánh Ly về nước diễn từ giờ cho đến hết tháng 12, qua các thành phố tại Hà Nội, Ðà Nẵng và Saigon vào tháng 11, 2012 tới do công ty giải trí Ðồng Dao tổ chức.

Chuyện ca sĩ hải ngoại về hát ở Việt Nam thì đâu có gì lạ mà làm ầm ĩ, nhưng quả thật tin Khánh Ly về đã gây xôn xao dư luận và giới truyền thông đã dành nhiều trang báo, bản tin, có những tin tức và ý kiến khác nhau về chuyện này.

Về hay không về?

Trên nhiều trang web cộng đồng người Việt tại California, đã đăng bản tin: “Khánh Ly không hát tại Việt Nam trong tháng 11”. Theo bản tin thì Khánh Ly vẫn chưa biết gì về tin sẽ về Việt Nam biểu diễn. Hơn nữa, “từ nay đến tháng 11, kéo dài đến Tết Âm lịch, Khánh Ly hoàn toàn chuyên tâm cho chương trình CD & DVD Thánh Ca dâng Mẹ và Thiên Chúa, kỷ niệm 50 năm ca hát, thực hiện tại Nhà Thờ Kiếng tại quận Cam, California” hay “tháng 11 rất bận rộn với các chương trình hát cho nhà thờ ở Hawaii, rồi sang hát tại Châu Âu”...

Trong khi đó đài BBC loan báo Khánh Ly sẽ về hát ở Việt Nam qua các cuộc phỏng vấn những người quen biết xa gần với ca sĩ này.

Chuyện về của Khánh Ly, theo chính quyền trong nước: “Bằng quyết định này, chúng tôi muốn thể hiện chính sách cởi mở của nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về tổ quốc, có thể trở về biểu diễn cho đồng bào mình, ngay trên quê hương mình.”

Với nhạc sĩ Phạm Duy, người đã về sống ở Việt Nam, phủ nhận tất cả sự vinh danh và yêu mến của hải ngoại, mấy năm sau “hồ hởi” cầm tờ CMND và hộ khẩu để chụp hình đăng báo thì khẳng định: “Ðây cũng là bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc!”

Khánh Ly mà không phải là ai khác!

Chuyện về hát ở Việt Nam đâu còn là chuyện lạ: Chế Linh, Thanh Tuyền, Ðức Huy, Duy Quang, Elvis Phương, Lệ Thu, Ý Lan... và vô số các ca sĩ khác đã về Việt Nam, mà ít ai quan tâm bình luận. Trách chi thương nữ! Ngay cả Như Quỳnh, con gái của một cựu sĩ quan miền Nam đã được định cư tại Mỹ theo chương trình “H.O.,” hiện nay cũng đã có mặt tại Saigon để hát trong đêm chung kết Tiếng Hát Truyền Hình 2012. Ca sĩ cũng là một nghề, nghề thì cần làm việc để nuôi thân, thế thôi! Ngày xưa họ còn ngại, bây giờ chính phủ CSVN đã bật đèn xanh: “Tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về tổ quốc” thì còn gì phải e dè. Nhưng khi có nguồn tin Khánh Ly về hát trong nước thì thiên hạ ầm ĩ.

Chuyện này có thể giải thích: “Người ta yêu và quý mến tên tuổi Khánh Ly hơn những người khác và không một ca sĩ nào đồng thời, hay cho đến bây giờ có thể so sánh với ca sĩ Khánh Ly, trước và sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, trong cũng như ngoài nước!”

Vì khán giả quá thương yêu Khánh Ly, thương yêu nên mới giận hờn, trách móc, bàn luận... Chúng ta có thể hiểu điều này, nếu mọi người thờ ơ, chẳng hề quan tâm khi thấy những Ðức Huy, Chế Linh hay cả Lệ Thu về hát ở trong nước!

Khi yêu ai chúng ta thường muốn nhân vật đó làm, suy nghĩ theo ý chủ quan của mình, từ con cái, bạn bè cho đến những nhân vật thần tượng. Khi không vừa ý, điều đó thường mang lại khổ đau cho mình, thương trở thành ghét, yêu trở nên giận hờn, trách móc.

Có thể hiểu trong ba điều:

1. Người ca sĩ nào lại không yêu sân khấu và tiếng vỗ tay của khán giả, nên trình diễn trước đám đông là sự sống cần thiết của ca sĩ. Thời gian và tuổi tác sẵn sàng đào thải, không ai là “vượt thời gian” hay “muôn năm” cả! Vậy thì làm được gì thì làm, đừng để mọi sự trở nên muộn màng.

Trong nước từ ngày thay đổi chế độ, tiếng hát ngày xưa là nỗi thương nhớ khôn nguôi, Khánh Ly là cố nhân của những ngày tháng của kỷ niệm đã xa. Mà không phải là người cũ, người mới, những người đi từ miền Bắc đến Ðông Âu, những người Cộng Sản “đặc” từ rừng về, cũng muốn nghe và gặp Khánh Ly. Vậy thì Khánh Ly sẽ về.

2. Ai lại không yêu quê hương, xứ sở. Bỏ quê hương, xứ sở ra đi là một điều bất đắc dĩ, như cây nhổ rễ để mang đi trồng ở một vùng đất khác. Tuổi trẻ còn nhựa sống sinh lực, nhưng tuổi già thì héo hon. Chúng ta phải đau đớn lắm qua những tháng ngày sống xa quê hương. Là một người Việt tha hương, Khánh Ly cũng thế, vậy thì Khánh Ly sẽ về.

3. Ta thì nói: “Ðồng tiền là huyết mạch,” Tây thì cho là “Money First”. Trên đời này không thiếu người đã làm những việc gian dối, dơ bẩn, phi pháp để kiếm tiền, trong khi đó, người ca sĩ cũng như những người tử tế, lương thiện kiếm tiền bằng tài năng và sự lao động cực nhọc của mình, thì đâu có gì là đáng trách. Hiểu theo nghĩa đó, vậy thì Khánh Ly sẽ về.

Chỉ tiếc rằng tiếng hát Khánh Ly đã đồng hành với những nỗi thăng trầm của người tỵ nạn, khán giả đã thổn thức với Khánh Ly trong “Ðêm Chôn Dầu Vượt Biển,” “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt!” “Ðêm nhớ về Sài Gòn,” “Chút quà cho quê hương,” “Người di tản buồn,” “Ai về xứ Việt”. Hình như về “lập trường” Khánh Ly đã tuyên bố “Ði thì cùng đi, về thì cùng về!” Bây giờ chúng ta có thể xoay trở ý nghĩa của câu nói này theo nghĩa: “Bây giờ bao nhiêu ca sĩ hải ngoại đã về hát ở Việt Nam, đã đến lúc Khánh Ly ‘cùng về!’”

Giấy “cho phép về hát” đã có, hộ chiếu đã có, địa điểm trình diễn đã có, dư luận cũng có phần thuận lợi, tôi tin chắc rằng Khánh Ly sẽ về hát ở Việt Nam, không phải trong nay mai, mà khi bài báo này đến tay bạn đọc, chưa chừng Khánh Ly đã có mặt ở Hà Nội rồi! Thắc mắc của riêng tôi là trong các địa điểm trình diễn không có Huế, quê hương của Trịnh Công Sơn, quê hương của những “mẹ già lên núi tìm xương con về,” quê hương của những “mộ bia đều như nấm!” Phải chăng vì Huế xưa nay đã quá nghèo, thuộc loại “chân đất” không đủ khách hạng sang cho một buổi trình diễn của “nữ hoàng” Khánh Ly. Theo tôi đó là một điều đáng tiếc.

Tôi chỉ xin một điều. Khánh Ly thường thích nói nhiều trước khi hát. Nói đến chuyện yêu quê hương, nguồn cội thì cứ nói, nhưng chớ nói điều gì đi ngược lại chính con người mình trước đây và gây tổn thương cho những người đã vì chế độ Cộng Sản mà bỏ nước ra đi, bằng cách này hay cách khác, đang hiện diện ở ngoài đất nước, quê hương Việt Nam hôm nay; làm đau lòng những người đang hy sinh tranh đấu để thay đổi chế độ hiện hữu ở Việt Nam.

Thấp hèn hay cao cả, tất cả đều tự do mình làm ra, không ai có thể thay đổi được nhân cách của mình!

(Huy Phương)


No comments:

Post a Comment