Những năm gần đây, thành phố Las Vegas có một tiệm cá nướng da giòn rất ngon, tôi đã được ăn qua một hai lần, những lần sau, khi trở lại ngày Chủ Nhật, rất bực mình vì tiệm ăn treo bảng đóng cửa.
Tất cả tiệm ăn ở các vùng đông người Việt đều sống nhờ hai ngày cuối tuần, thế mà ông chủ nhỏ này, một kỹ sư bỏ nghề, lại không thèm mở cửa tiệm một ngày đông khách, nhất là tại thành phố cờ bạc, mà phần đông người Việt chúng ta hay đến đó vào ngày Chủ Nhật? Trong một lần trở lại tiệm ăn của ông, chủ nhân mới cho biết lý do: “Vợ chồng cháu phải đóng cửa ngày Chủ Nhật để có thời giờ gần gũi, chăm sóc các cháu ở nhà. Vì cuộc sống, đi làm suốt tuần, nhiều khi cháu không có thời giờ nhìn đến các con!”
Người Mỹ đã bắt đầu thấy sự quan trọng trong việc dạy dỗ gần gũi con cái, sợ con cái dễ bị hư hỏng, không thể giao phó hoàn toàn cho nhà trường. Nhiều gia đình đã thu xếp cho các bà mẹ ở nhà lo việc nội trợ và đưa đón, chăm sóc con cái, và chuyện này đã trở nên bình thường trong đời sống Mỹ, không khác chi những gia đình người Việt ngày xưa, mà hầu hết phụ nữ trong gia đình đều ghi nghề nghiệp của mình là “nội trợ!” Thế mới biết biết lòng cha mẹ lúc nào cũng hy sinh cuộc sống của cá nhân mình, dù phải chật vật, khó khăn để nghĩ đến hạnh phúc và tương lai của con cái. Khi cha mẹ đến tuổi già (cũng như chúng ta còn con dại ngày trước), mấy ai đã bỏ bớt công việc, bớt lại chút phúc lợi để có thời giờ chăm sóc, gần gũi cha mẹ, như ngày trước cha mẹ đã lo cho mình.
Phải chăng vì con cái đó là con cái chung của cả hai người cả cha lẫn mẹ, trong khi cha mẹ lại là cha mẹ chung của cả năm bảy đứa con. Năm bảy đứa con đó lại có thêm vợ, thêm chồng, bên nội bên ngoại nên không ai có trách nhiệm về cha mẹ cả, kiểu “cha chung không ai khóc!” Nhiều gia đình cha mẹ chỉ có một hai con, đôi khi cha mẹ lại được chăm sóc thương yêu chu đáo hơn là một gia đình đông con. Ðứa lớn tỵ nạnh đứa nhỏ, đứa nhỏ lại cho đó là trách nhiệm anh chị, suy nghĩ hơn thiệt về giàu nghèo phương tiện. Cha mẹ bên con trai thấy con dâu nuôi mẹ trong nhà nhiều khi không vừa ý, bên nhà gái thấy con mình phải lo săn sóc cung phụng cho cha mẹ chồng thì sinh bất mãn.
Ngày xưa ở phương Ðông, đạo hiếu rất được đề cao và tôn trọng, “nhị thập tứ hiếu” đã được in thành sách để dạy đời, mà ở Việt Nam trong nhân gian vẫn có những câu ca dao cay đắng nói về tình con cái đối với cha mẹ: “Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày!”
Ông Mạnh Tử có dạy: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại” (có 3 điều bất hiếu, không có con là điều nặng nhất), hai điều còn lại là cha mẹ già không chịu nuôi nấng và làm điều bậy để hoen ố tới gia phong. Ngày nay chuyện con cái không sinh con là điều chúng lựa chọn, cha mẹ cũng không mong có con để nối dõi tông đường, vì ngày xưa lấy lễ làm chủ yếu, người xưa lo sợ khi cha mẹ, ông bà qua đời, không có ai cúng giỗ, hương khói nhưng ngày nay, đâu có ai cho đó là điều đáng quan tâm.
Nói chuyện bất hiếu vì không nuôi cha mẹ, thì ở Mỹ ngày nay, các bậc cha mẹ đến tuổi già, không cần đến con nuôi nấng, vì đã có phúc lợi xã hội, có tiền ăn nhà ở, thuốc men nên con cái cũng không cần phải bỏ tiền ra để lo miếng cơm, manh áo, viên thuốc cho cha mẹ. Nhưng hiện nay tại Mỹ, việc chăm sóc cho người cao niên là một kỹ nghệ làm tiền của những “nhà thầu nhân đạo” lớn mạnh, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Chăm sóc cha mẹ tại nhà cũng là để tránh để cha, mẹ trở thành nạn nhân của bọn kinh doanh, mà hậu quả khó lường.
Như vậy là gánh nặng của ơn sinh thành đã có chính phủ lo cho gần hết, phải chăng còn lại, là cha mẹ chỉ mong có sự thăm hỏi, quan tâm với những lời ân cần của những đứa con mà họ đã bỏ hết gần cuộc đời ra để dạy dỗ, thương yêu. Nhưng những điều này, tuy vậy không phải đứa con nào cũng làm được.
Sắp xếp công việc để dành thời giờ chăm sóc cho cha mẹ, như ngày trước cha mẹ đã ở nhà để lo cho con cái chu đáo hơn. Metlife vừa lên tiếng khuyến cáo cho những ai có ý định nghỉ việc để ở nhà để săn sóc cha mẹ già là phải suy nghĩ cẩn thận, vì họ sẽ mất nguồn lợi tức hiện tại và thiệt hại luôn đến tiền hưu. Mặt khác sau vài năm, khó có thể trở lại việc cũ vì khả năng chuyên môn không còn và giới chủ nhân không còn cần dùng đến bạn nữa! Metlife còn khuyên người ta là hãy để ý đến khả năng tài chánh của cha, mẹ để xem có thể giúp ích gì cho gia đình khi mình phải bỏ việc ở nhà. Ngoài ra còn phải tính toán xem khả năng của Medicare và Medicaid sẽ trả cho những dịch vụ gì cho người già, tức là cha mẹ mình để khỏi phải tính toán sai lầm, hối hận về sau!
Nói chung đây là tất cả những sự tính toán, sắp đặt hơn thiệt, chứ không phải làm theo tình cảm thương yêu hay bổn phận như những gì cha mẹ đã dành cho con. Vì sao chúng ta khi lo lắng cho con cái hết lòng như thế, không bao giờ tính toán thiệt hơn, nhưng khi cha mẹ già yếu, nếu phải bỏ bớt công việc, thời gian và tiền bạc để đền ơn đáp nghĩa thì lại né tránh. Ðã có biết bao nhiêu bậc cha mẹ già hiu quạnh trong nhà dưỡng lão, mắt dõi nơi bậc cửa vào ra để chờ đời một bóng dáng quen thân.
Trên báo chí chúng ta đã đọc được nhiều câu chuyện thương tâm của những bà mẹ già “bị bỏ quên” trong nhà dưỡng lão đã nhiều năm, những đứa con bận bịu những chuyến du lịch xa không còn nhớ đến cha mẹ. Một đôi vợ chồng khác lại không dám rời nhà vài ngày vì sợ con chó nhỏ không chăm sóc, trong khi mẹ già thì phó mặc cho nursing home.
Ðồng ý là “nước mắt chảy xuôi”, nhưng làm sao để trong cuộc đời, chúng ta nghĩ đến cha mẹ sau này với tấm lòng thương yêu như khi chúng ta nghĩ đến con cái bây giờ!
(Tạp ghi Huy Phương)
No comments:
Post a Comment