Tuesday, May 22, 2012

Những "nhà sư" trên phố Bolsa

Ở trong khu phố Little Saigon khoảng mười năm nay người ta thường thấy một người đàn ông mặc áo vàng như một nhà sư, ngồi trên một chiếc xe lăn máy, ở những khu phố đông người như khu chợ ABC, Phước Lộc Thọ, Phở Quang Trung...
Ông ôm một chiếc thùng giấy nhỏ đề chữ “lạc quyên” và một hàng số điện thoại: 714- 894-1518, ngửa tay xin tiền những người qua lại. Có tiền có khi ông đút vào túi, có khi ông để khách dúi tiền vào hộp. Tôi thấy ông từ 10 năm qua, từ lúc tương đối ông chưa già, nay suốt ngày ông ở ngoài đường, dù trời mưa hay nắng, trông ông có vẻ xuống sắc. Rất nhiều người cho tiền ông và đôi lúc ông cũng chận xe ngang những cô gái trẻ, ngỏ ý muốn xem chỉ tay cho họ. Có người lắc đầu bỏ đi nhưng cũng có người dừng lại đưa bàn tay ra cho ông cầm lấy, ông vuốt bàn tay khách, nói những câu chung chung và nhận một số tiền nhỏ. Tình cờ, một lần đậu xe trong parking, tôi thấy ông hướng dẫn một cô gái còn trẻ, vào một chỗ trống giữa hai xe để người khác khỏi tò mò để xem chỉ tay, bên cạnh chiếc xe tôi vừa lái vào. Tình cờ, tôi nghe ông nói: “Cuối tháng này cô có một món tiền vào!” Cô gái hỏi lại: “Tiền này từ đâu thầy?” Tôi không nghe được câu trả lời vì ông có vẻ ấp úng.

Vị sư xem chỉ tay và nói: “Cuối tháng này cô sẽ có một món tiền lớn!” (Hình: Huy Phương/Người Việt)

Sáng nay gặp ông đang đậu xe trước cửa chợ ABC đang xin tiền người qua lại. Trong một cuộc chuyện trò “bất đắc dĩ,” ông cho biết pháp danh của ông là Trí Quang, trước tu tại chùa Nam Quang, Quảng Ngãi, sang Mỹ năm 2006, “theo diện nhân đạo.” Thoạt đầu ông nói do chùa Việt Nam (?)bảo lãnh, nhưng sau đó ông lại nói ông được Mỹ cho sang trong diện nhân đạo dành cho các tu sĩ Phật Giáo. Từ ngày sang Mỹ đến nay, “chùa” của ông là đường phố và nghề của ông là khất thực. Ông cho biết số tuổi của ông là 82, nhưng ông không có trợ cấp tiền bạc, thuốc men, housing gì của chính phủ Mỹ. Khi chúng tôi xin địa chỉ để đến thăm ông, ông nói không có địa chỉ và ở rày đây mai đó. Một người làm việc trong chợ cho biết, có lẽ ông sống ở gần khu chợ ABC, nên sáng nào cũng di chuyển bằng chiếc xe lăn gắn máy ra đây. Ông sư này cho biết ông không có chùa, từ ngày sang Mỹ đến nay, mỗi ngày ông ra vùng này để khất thực, ai cho gì ông ăn nấy. Về tiền, ông cho biết “ngày khá thì vài chục, ngày ít thì vài đồng!” Tuy vậy trong lúc nói chuyện với ông, mức độ những người hảo tâm đến bỏ tiền vào thùng giấy của ông không phải là ít.

Sư, ni thật hay giả?

IMG_4786


Ông là sư thật đi khất thực hay sư giả như tệ nạn hiện nay ở các thành phố lớn Việt Nam, đó là câu hỏi của nhiều người đã thắc mắc. Thật sự. không gì chứng minh ông là một nhà sư thật. Ông không ở chùa, lai lịch mù mờ, lời “tâm tình” của ông bất nhất, không có diện nào là “nhân đạo” để đưa một người như ông đến Mỹ. Về giáo lý không một nhà sư nào nói câu nói mà ông đã nói với tôi: “Nhờ Phật, Thánh, Thần, Tiên... chỉ đường dẫn lối đưa tôi qua đây.” Về số tiền ông kiếm được hằng ngày, ông nói là để giúp cho chùa Nam Quang ở Quảng Ngãi. Thoạt đầu ông cho biết chùa Nam Quang ở Cầu Ðen, ngã ba Nam Ngãi, nhưng sau đó ông lại nói ở Quảng Ngãi có đến hai ba chùa tên Nam Quang. Một vị quê quán ở Quảng Ngãi đã cho chúng tôi biết, Quảng Ngãi không có dịa danh nào là “Cầu Ðen” và “Ngã Ba Nam Ngãi” và cũng không có chùa nào tên Nam Quang. Hỏi về số tiền xin được ông gửi về cách nào, thì ông lại nói: “Lâu lâu có người đến lấy!” Khi chúng tôi dùng số điện thoại trên thùng lạc quyên của ông để gọi thử thì đây là số điện thoại một công ty thương mãi người Mỹ.

DSC_1010


Năm ngoái, một thời gian dài, trước cửa chợ Saigon Market người ta trong thấy một vị sư trẻ mập mạp và tại chợ ABC có một ni cô cầm thùng lạc quyên, đứng xin xin tiền gọi là giúp chùa ở Việt Nam. Không ai muốn tìm hiểu về những vị này ở đâu tới, quyên tiền cho ai, ai có lòng thương hay muốn làm phước thì bỏ tiền vào thùng. Ngay người “bảo vệ” tại chợ ABC đã gọi cảnh sát nhiều lần, nhưng cảnh sát không can thiệp vào những vụ này. Trong chợ hoa Phước Lộc Thọ vừa rồi, một “ni cô” mặc áo vàng đi “khất thực” quanh chợ, (không biết có xuống tóc không, vì lúc nào cũng đội món nón len dày). Sau một ngày đứng “xin” tiền đã dang tay vẫy một xe đời mới vừa chạy trờ tới, tôi tưởng cô đón xe để xin tiền, nhưng không, cô đã mở cửa xe và bước lên ngồi ở ghế trước cạnh tài xế, và chiếc xe vội vã chạy đi.

DSC_0049


DSC_0050


Dư luận có hai chiều, giới Phật tử cho rằng hình ảnh thảm não nhếch nhác của một “ông sư” hay “bà ni” quanh quẩn ở khu chợ đông người để xin tiền bố thí trông không được đẹp mắt và có thể mọi người sẽ có cái nhìn sai về chuyện “khất thực” của các nhà sư Phật Giáo, cần phải dẹp bỏ. Trái lại, phần lớn các bà các cô thì động lòng hay làm phước đi ngang thuận tay nhét tiền vào thùng của thầy, mà không biết “thầy” là ai, số tiền “thầy” thu được sẽ đi về đâu, dùng vào mục đích gì? Chúng ta nghĩ sao về ông già “sư giả”này? Ðáng thương hay đáng trách? Nếu ông là một người bình thường đi ăn xin ngoài đường phố thì đó là chuyện bình thường.
Ở Việt Nam nhiều giới vô công rỗi nghề mặc áo vàng giả danh nhà sư để quyên tiền hay tống tiền là một tệ nạn thời đại, nay nhìn lại những hoạt cảnh tại một khu phố Bolsa điển hình như khu chợ ABC góc đường Magnolia-Bolsa, thấy cũng không khác gì hơn!
(Huy Phương)

No comments:

Post a Comment